Độc đáo những cây cầu ngói Việt Nam

Không phổ biến như cầu sắt, cầu đá hay cầu gỗ thông thường, cầu ngói là một dạng kiến trúc độc đáo và hiếm thấy nhất ở Việt Nam. Những cây cầu uốn cong như cầu vồng, có tuổi đời mấy trăm năm, lợp mái ngói cổ kính, nằm soi mình bên dòng nước trong xanh đã mang đến cho phong cảnh làng quê Việt một vẻ đẹp thật đặc biệt, khó quên.

Cầu ngói Phát Diệm, Ninh Bình

Cùng với công trình Nhà thờ đá, cầu ngói Phát Diệm là một công trình kiến trúc dân gian đặc sắc ở vùng công giáo Kim Sơn. Đây là cây cầu vừa mang chức năng giao thông, vừa là mái đình làng cổ kính, thân thuộc đối với người dân nơi đây.

Cầu bắc qua sông Ân, nằm ở trung tâm thị trấn Phát Diệm, cách trung tâm thành phố Ninh Bình khoảng 30km. Cầu ngói là chiếc cầu vồng bằng gỗ 3 nhịp, mỗi nhịp có 4 gian, với tổng chiều dài 36m, chiều rộng 3m. Hai bên thân cầu có hai dãy lan can và cột đều bằng gỗ lim, trên cầu có mái che lợp ngói đỏ cổ truyền, hai bên đầu cầu có bậc tam cấp nối xuống đường và bước xuống sông.

Từ một vùng đất sình lầy ven biển, đỏ nặng phù sa, năm 1829, huyện Kim Sơn được ghi vào bản đồ Việt Nam. Cùng với việc lập làng, Nguyễn Công Trứ cho tiến hành xây dựng các công trình thuỷ lợi. Trước hết là việc đào con sông Ân nối sông Vạc với sông Càn để lấy nước ngọt. Việc đào kênh mương được tiến hành song song với việc làm đường, quật thổ, bồi cư, phân chia địa giới. Công trình cầu ngói ra đời trong hoàn cảnh đó. Từ năm 1876, cầu ngói được xây dựng với toàn bằng gỗ và ngói. Sàn cầu lúc ấy là những tấm gỗ ván dài đến 10m được đóng vào dàn khung dầm cầu bằng những cây đinh đóng thuyền; cột chân cầu bằng gỗ, những cây gỗ lớn cỡ hai vòng tay người ôm mới xuể, nó liên tục được gia cường tu bổ để phục vụ nhu cầu đi lại, đây cũng là con đường chính để người dân tiến ra lấn biển… Trải qua thời gian, mưa nắng, sàn gỗ của cây cầu đã được thay thế, con sông và hai bên đường được bê tông hóa khá kiên cố nhưng cây cầu với mái ngói cổ kính, trầm mặc vẫn mãi là niềm tự hào của những người dân vùng đất mở Kim Sơn.

Cầu ngói chùa Lương, Nam Định

Cầu ngói chùa Lương ở xã Hải Anh, Hải Hậu, Nam Định được xây dựng cách đây chừng 300 – 400 năm vào thời Lê, là một trong những cây cầu cổ đẹp nhất miền Bắc Việt Nam.

Cầu bắc ngang sông Trung Giang, cách chùa Lương khoảng 100m, nằm ngay trên con đường dẫn vào chùa, gắn với ngôi chùa thành một cụm di tích. Chùa Lương (hay còn gọi là chùa trăm gian) tên chữ là Phúc Lâm Tự được xây dựng vào đời vua Lê Hồng Thuận (1509 – 1515) cuối thế kỷ 15 đầu thế kỷ 16, khi việc quai đê lấn biển đã giành nhiều kết quả.

Toàn bộ cầu gồm 9 gian, với 40 cột tròn, tất cả bằng gỗ lim, hai bên hai dãy hành lang dài làm ghế nghỉ chân. Cầu được bắc trên 18 cột đá hình vuông to đẹp; với hệ thống cột xà dầm, bố cục chặt chẽ, gia công tỉ mỷ, đạt trình độ kỹ thuật, mỹ thuật rất cao, khéo léo tạo bộ khung nhà cầu cong cong uốn lượn mềm mại, mái ngói hình mũi hài âm dương trông như con rồng duyên dáng đang vươn mình bay lên. Chạm khắc trên cầu tuy đơn giản song thể hiện hài hòa nét kiến trúc cổ truyền. Cầu là nơi đi lại và dừng chân để khách bộ hành nghỉ ngơi, ngắm cảnh sông nước, làng quê.

Cầu ngói Thanh Toàn, Huế

Cầu ngói bắc qua một con mương chảy từ đầu làng đến cuối làng Thanh Toàn, thuộc xã Thuỷ Thanh, huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên – Huế, cách trung tâm thành phố Huế chừng 8km theo đường bộ về phía đông.

Làng Thanh Toàn được thành lập vào thế kỷ 16. Những di dân từ đất Thanh Hóa theo chúa Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa, có 12 vị tộc trưởng đã dừng chân lập nghiệp ở đây, tạo nên 12 họ khai canh của làng. Một người cháu gái thuộc thế hệ thứ sáu của họ Trần là bà Trần Thị Ðạo đã cúng tiền cho làng xây dựng chiếc cầu gỗ để dân làng qua lại được thuận tiện, khỏi phải dùng đò ngang. Ðây cũng là nơi cho lữ khách cùng người tha phương tạm dừng chân.

Cầu ngói Thanh Toàn là chiếc cầu vồng bằng gỗ, được xây dựng theo lối thượng gia hạ kiều (trên nhà, dưới cầu), dài 17m, rộng 4m. Trên cầu có mái che, lợp ngói ống tráng men chia làm 7 gian.

Cầu ngói Thanh Toàn là một di tích kiến trúc cổ, rất có giá trị về mặt lịch sử, văn hoá và còn là một thắng cảnh. Chiếc cầu được xây dựng cách đây hơn hai thế kỷ, đã bao lần bị gió bão, lụt lội và chiến tranh tàn phá. Tuy nhiên, sau các lần hư hỏng, nhân dân xã đều chung nhau tu sửa, tôn tạo và gìn giữ nó.

Với tinh thần “uống nước nhớ nguồn” và tôn trọng di sản văn hoá, nhiều thế hệ dân làng Thanh Toàn đã gìn giữ công trình kiến trúc độc đáo này của Huế. Tháng 9/1991, cầu được trùng tu lớn theo qui mô cũ và chính thức được Bộ Văn hoá Thông tin cấp bằng công nhận Di tích quốc gia, trở thành danh thắng quý hiếm của cả nước.

Chùa Cầu – Biểu tượng của Hội An

Chùa Cầu – tên gọi chung cho tổ hợp kiến trúc gồm ngôi chùa nhỏ gắn kết vào sườn phía Bắc cây cầu cổ lợp ngói trong Khu đô thị cổ Hội An (nay là thành phố Hội An), thuộc tỉnh Quảng Nam.

Chiếc cầu dài 18m với bảy gian bằng gỗ, vắt cong qua lạch nước chảy ra sông Hoài (một nhánh sông Thu Bồn) nối giữa hai đường Nguyễn Thị Minh Khai và Trần Phú của Hội An. Cầu có dáng uốn cong mềm mại, nhiều họa tiết đẹp. Cầu và chùa đều bằng gỗ sơn son chạm trổ rất công phu. Mặt chùa quay về phía bờ sông, mái chùa lợp ngói âm dương che kín cả cây cầu.

Chùa Cầu là công trình kiến trúc do các thương gia Nhật Bản đến buôn bán tại Hội An xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ 17. Cây cầu còn có các tên khác là cầu Nhật Bản hay cầu Lai Viễn do chúa Nguyễn Phúc Chu thăm Hội An năm 1719 đặt tên, với hàm ý sẵn lòng đón đợi bạn phương xa đến.

Lai lịch của Chùa Cầu gắn liền với truyền thuyết về con Cù (mamazu) – một loại thuỷ quái có đầu nằm ở Ấn Độ, mình ở Việt Nam và phần đuôi ở tận Nhật Bản. Cứ mỗi lần con Cù cựa quậy là gây ra lũ lụt, động đất… Chùa Cầu được coi như một thanh kiếm chằn ngang lưng con Cù, “trấn yểm” loài thuỷ quái, giữ cho cuộc sống yên bình.

Tuy gọi là chùa nhưng bên trong không có tượng Phật. Phần gian chính giữa thờ một tượng gỗ Bắc Đế Trấn Võ – vị thần bảo hộ xứ sở, ban niềm vui hạnh phúc cho con người.

Với người dân phố Hội, Chùa Cầu là linh hồn, là biểu tượng tồn tại hơn bốn thế kỷ qua. Chùa Cầu đã trải qua ít nhất 6 lần trùng tu song vẫn giữ được nét cổ kính nguyên thủy của nó. Chùa Cầu được công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia năm 1990 và hình ảnh Chùa Cầu có trên tờ tiền polymer 20.000 đồng của Việt Nam hôm nay.

Nơi đây mãi là điểm đến không thể thiếu trong tour du lịch Đà Nẵng – Hội An. Khách du lịch đến Hội An mà chưa ghé thăm Chùa Cầu thì coi như chưa đến. Đến rồi thì lưu luyến nhớ thương: “Ai đi phố Hội, Chùa Cầu/ Để thương để nhớ để sầu cho ai/ Để sầu cho khách vãng lai/ Để thương để nhớ cho ai chịu sầu…”

Đăng tải tại Uncategorized | Thẻ , , , | Bình luận về bài viết này

Thắng cảnh Biển Hồ Pleiku, Gia Lai

Biển Hồ là tên do người Kinh đặt, còn tên thật của nó là Tơ Nueng (Tơ Nưng), là một miệng núi lửa khổng lồ nằm ở phía Bắc thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Biển Hồ quanh năm ăm ắp nước và luôn luôn xanh ngằn ngặt, như một chiếc gương trên chót vót cao nguyên cho mây trời soi bóng. Xung quanh nó có rất nhiều bí ẩn và huyền thoại khiến Biển Hồ lại càng lung linh kỳ ảo trong ký ức của cả người sở tại và du khách.

Ngay cái tên Biển Hồ có lẽ cũng là do khát vọng của con người mà ra. Cao nguyên Pleiku cao hơn mực nước biển cả nghìn mét. Theo nguyên tắc bình thông nhau thì chả có giọt nước nào tồn tại được trên những đỉnh núi cao này. Và vì thế mà con người khao khát nước, khao khát biển. Một nhà thơ đã viết khi đến thăm Biển Hồ: Thương thương quá suốt một đời thiếu nước/Nên cái ao tù cũng thành biển của em… Vì thế, có một cái “ao” trên đỉnh núi cao vời vợi, đứng ở dưới Quốc lộ 1 nhìn lên chỉ thấy mây phủ kín, ấy thì người ta gọi là “biển” cũng đúng thôi.

Ðối diện với Biển Hồ theo trục Bắc Nam khoảng chục cây số là đỉnh Hàm Rồng, cũng là một miệng núi lửa khổng lồ (xung quanh thành phố Pleiku là hàng trăm miệng núi lửa lớn nhỏ, nhưng lớn nhất vẫn là Biển Hồ và Hàm Rồng). Rất đối xứng, một bên nhô lên, bên thụt xuống, lại cũng khiến một nhà thơ so sánh như Yo Ni và Lin Ga. Diện tích của Hàm Rồng và Biển Hồ cũng tương ứng nhau, hình dáng cũng tương tự nhau nếu nhìn từ máy bay, giống như kiểu bứng phần lõm của Biển Hồ đặt vào Hàm Rồng vậy, tức là nếu bê Hàm Rồng thả xuống Biển Hồ thì sẽ khít, không còn dấu vết. Một cuộc tạo sơn vĩ đại nào đó đã làm việc này. Thời chưa có các phương tiện hiện đại, người ta đồn rằng Biển Hồ… không có đáy, nó thông xuống… biển Quy Nhơn. Nhưng có một thực tế là mực nước Biển Hồ hầu như không đổi nên nó vừa là thắng cảnh, vừa là nguồn nước sinh hoạt chính nuôi sống nhân dân thành phố Pleiku. Cái sự mực nước không đổi này cũng là sự lạ, bởi sáu tháng mùa khô khốc liệt thế, trời không một giọt mưa mà mực nước giữ nguyên thì cũng khó giải thích thật. Xung quanh Biển Hồ được vây bọc bởi các ngọn núi mà đồng bào dân tộc bám vào các triền thoai thoải của nó để làm nhà, lập làng. Năm nhiều bù năm ít, mỗi năm có một người, toàn là thanh niên học sinh, chết đuối làm những bí ẩn về Biển Hồ càng tăng lên.

Hồ Tơ Nưng là hạt ngọc của Pleiku mà bất cứ ai đã đặt chân đến vùng đất Tây Nguyên cũng không thể bỏ qua. Con đường nhựa phẳng lỳ chạy xuyên qua những hẻm núi gồ ghề, vách thẳng đứng rêu phong, điểm tô bởi các bụi cây kim ngân hoa vàng rực rỡ dẫn ta đến bờ hồ. Mặt hồ ở cao trên một ngọn núi nên không bị các dải núi xung quanh che khuất, đứng bên bờ hồ có cảm giác như đứng bên bờ biển lộng gió. Có lẽ vì thế hồ Tơ Nưng được gọi là Biển Hồ./.

Đăng tải tại Uncategorized | Thẻ , , , | Bình luận về bài viết này

Địa đạo Lợi Thuận (Bến Cầu) – Một địa chỉ du lịch của Tây Ninh

Cảnh quan thiên nhiên ở đây khá hấp dẫn bởi rừng cây (gỗ Sao) nguyên thủy còn giữ được, phía dưới những tán cây rừng cây, lũy tre, tầm vông… là hệ thống chính đường hầm lòng địa đạo, vết tích oanh liệt của chiến trường năm xưa thời kỳ chống Mỹ cùng với hệ thống công sự của Sư đoàn 5 thời kỳ chống chiến tranh biên giới Tây Nam.

Địa đạo là một hình thức phát triển của nghệ thuật chiến tranh nhân dân rất độc đáo, rất Việt Nam. Nếu như Địa đạo Củ Chi (để trú quân), Địa đạo An Thới (để chiến đấu) thì Địa đạo Lợi Thuận, vừa trú quân, lại vừa chiến đấu, giữ vững đầu mối, cửa ngõ vào khu căn cứ Rừng Nhum, hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị, binh vận của quân và dân Bến Cầu, lập nhiều chiến công vẻ vang. Chính vì những giá trị đặc biệt của Địa đạo Lợi Thuận, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã công nhận và xếp hạng là Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp Quốc gia tại Quyết định số 1430/QĐ-BVHTT ngày 12/10/1993.

Trong một lần đến thăm huyện Bến Cầu, đồng chí Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các đồng chí lãnh đạo Tổng cục Du lịch đã đến thăm Địa đạo Lợi Thuận và được các đồng chí lãnh đạo Tỉnh, Huyện giới thiệu dự án trùng tu, tôn tạo Di tích lịch sử – Văn hóa Địa đạo và đánh giá đây là tiềm năng khai thác du lịch trong thời gian tới. Các đồng chí lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ghi nhận các ý kiến đề xuất của địa phương và chỉ đạo các ngành chức năng sớm nghiên cứu triển khai dự án trùng tu để hoàn thành đưa vào hoạt động trong thời gian tới…

Anh Đinh Văn Cư một hộ dân đang sống gần địa đạo cho biết: Sau khi nghe tin Nhà nước có chủ trương mở rộng trùng tu, tôn tạo hiện trạng Khu Di tích lịch sử – Văn hóa Địa đạo, mọi người dân rất phấn khởi vì công trình Địa đạo Lợi Thuận hoàn thành và đi vào hoạt động thì người dân ở đây sẽ được hưởng lợi nhiều từ dự án trên như: các tuyến đường liên ấp nằm trong dự án được nâng cấp bê tông hóa, giúp cho việc đi lại, luân chuyển hàng hóa của bà con được thuận tiện dễ ràng hơn. Bên cạnh đó, người dân có cơ hội giới thiệu và kinh doanh các loại mặt hàng gia công đặc thù của địa phương đến khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế và ổn định đời sống nhân dân.

Là một quần thể Di tích lịch sử cách mạng nằm trong hệ thống các khu Di tích lịch sử – Văn hóa của Tỉnh, với vị trí nằm trên đường xuyên Á ngay cạnh cửa khẩu quốc tế Mộc Bài – có các khu kinh tế, cụm công nghiệp, siêu thị, Địa đạo Lợi Thuận chắc chắn sẽ hấp dẫn và thu hút được số lượng lớn khách tham quan không chỉ trong nước mà cả khách quốc tế đến tham quan du lịch./.

Đăng tải tại Uncategorized | Thẻ , , , | Bình luận về bài viết này

Đảo ngọc Cát Bà – điểm hẹn du lịch

Từ lâu, quần đảo Cát Bà (huyện Cát Hải- Tp. Hải Phòng) đã là một điểm hẹn du lịch nổi tiếng của du khách trong và ngoài nước. Sự hòa quyện giữa rừng và biển tạo nên khung cảnh hữu tình riêng của địa danh này. Ưu thế đó đã giúp nơi đây phát triển mạnh hoạt động du lịch, đem lại giá trị kinh tế lớn cho địa phương.

Quần đảo Cát Bà nằm ở vùng biển Đông Bắc, là thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam, rộng hơn 26.000 ha, trong đó gồm hơn 17.000 ha đảo, hơn 9.000 ha mặt nước biển, gồm 366 hòn đảo lớn nhỏ, riêng đảo Cát Bà rộng hơn 300km2. Nơi đây tiềm ẩn nhiều giá trị cảnh quan, địa chất, sinh học.

Cát Bà là đảo lớn nhất trong số 1.969 hòn đảo của quần thể đảo trên Vịnh Hạ Long. Thiên nhiên ở đây hoang sơ và xen kẽ giữa cảnh quan rừng, biển, sông, suối, núi, đồi, thung lũng, bãi cát, hang động… gắn kết với nhau tạo nên cảnh đẹp kì thú.

Từ thành phố Hải Phòng, du khách có thể đi tàu cao tốc tại bến tàu Đình Vũ, hoặc đi phà dân sinh tại bến phà Đình Vũ (Hải Phòng) để ra Cát Bà. Đến với Cát Bà, du khách sẽ được khám phá các danh thắng nổi tiếng và cảm nhận vẻ đẹp cuộc sống miền biển. Từ trung tâm thị trấn Cát Bà, du khách có thể lên du thuyền để khám phá vẻ đẹp hoang sơ của các vũng, vịnh nổi tiếng trên đảo như: vịnh Lan Hạ, vịnh Cát Bà, vụng Tùng Thu…

Ở khu vực vịnh Lan Hạ có rất nhiều đảo, đến nỗi ngay cả người dân địa phương cũng không thể đặt tên hết cho chúng. Để đi hết vịnh phải mất một ngày, nhưng mỗi nơi đến sẽ mang lại cho du khách cảm giác mới lạ về phong cảnh hoang sơ của những hòn đảo lớn nhỏ nổi trên mặt vịnh. Chính vì thế, vịnh Lan Hạ là nơi hấp dẫn nhất với du khách trong và ngoài nước.

Khác với vẻ hoang sơ của Lan Hạ, vịnh Bến Bèo là nơi sinh sống tập trung đông đúc của các làng chài trên biển. Vì vậy, đến với Bến bèo, du khách sẽ có cơ hội được khám phá những nét văn hóa và phong tục tập quán, cũng như lòng hiếu khách của những ngư dân quanh năm bám biển.

Không chỉ có những vịnh biển hoang sơ, Cát Bà còn nổi tiếng bởi vẻ đẹp duyên dáng của những bãi tắm quanh năm rì rào sóng vỗ như Cát Cò 1, Cát Cò 2, Cát Cò 3, Cát Dứa, Cát Tiên… Đây được coi là ưu thế nổi bật của du lịch biển Cát Bà.

Với tiềm năng và thế mạnh về du lịch biển nên chính quyền và người dân địa phương nơi đây đã mạnh dạn đầu tư để xây dựng Cát Bà trở thành khu du lịch có tầm cỡ quốc gia. Nhờ đó, Cát Bà hôm nay đã có một một diện mạo mới với những khách sạn cao tầng khang trang, những du thuyền hiện đại, những đội tàu đánh cá ngày ngày vào ra tấp nập… Và trong tương lai không xa, khi những con đường xuyên đảo được đưa vào sử dụng sẽ tạo nên một cơ sở hạ tầng giao thông thuận tiện liên thông giữa các đảo, góp phần tạo nên một trung tâm du lịch lớn của thành phố Hải Phòng./.

Đăng tải tại Uncategorized | Thẻ , , , | Bình luận về bài viết này

Đền Khánh Trạch – chùa Thiên Vương: Nơi khách thập phương tìm về

Cứ mỗi độ xuân về, hàng triệu phật tử cùng du khách khắp bốn phương lại nô nức trẩy hội đền Khánh Trạch – chùa Thiên Vương ở thôn Thanh Khánh, xã Bình Minh (Tĩnh Gia – Thanh Hóa). Du khách đến lễ hội không chỉ để cầu may hay gột bỏ những ưu phiền mà còn để tìm về cội nguồn văn hóa tâm linh.

Theo tục lệ, vào đầu năm mới, từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch hàng năm, khách thập phương lại về lễ đền Khánh Trạch – chùa Thiên Vương để cầu mong cho một năm mới an khang – thịnh vượng, cũng là dịp tưởng nhớ đến Mẫu Liễu Hạnh.

Theo sử sách, đền Khánh Trạch – chùa Thiên Vương có từ đời Hồng Đức, là nơi thờ tự Liễu Hạnh công chúa, một trong “Tứ bất tử” của lịch sử Việt Nam. Bà là người có công lớn trong công cuộc đấu tranh dựng nước, giữ nước và nổi tiếng là người luôn che chở, giúp đỡ dân lành, được vua Lê phong làm Mẫu nghi thiên hạ.

Tưởng nhớ công lao trời biển của bà, nhân dân đã tôn bà là Thành hoàng làng và lập đền thờ. Ngôi chùa ngự trên khu đất cao bằng phẳng, rộng hơn 2.000m², được xem là vị trí đắc địa “thăng long bí châu”, tức là ngự trên trán rồng. Ngôi chùa có 3 gian chính điện, hậu cung và ngai thờ pho tượng đồng nặng khoảng 40kg, ngoài ra còn có tư trang đồ thờ và những bức hoành phi khảm xà cừ.

Do thời gian, ngôi chùa đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Thể theo nguyện vọng của phật tử bốn phương và nhân dân trong xã, gần đây ngôi chùa đã được trùng tu, tôn tạo theo đúng thiết kế của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với tổng kinh phí 1,6 tỉ đồng do các nhà hảo tâm, tăng ni, phật tử và nhân dân trong cả nước quyên góp.

Ngày 04/08/2011, theo Quyết định số 2519/QĐ – UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa, đền Khánh Trạch – chùa Thiên Vương được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Ông Phạm Ngọc Tuyên, thành viên ban hậu tự đền Khánh Trạch cho biết: “Trước sự xuống cấp nghiêm trọng của ngôi chùa, nhân dân trong xã đã kêu gọi cộng đồng cùng quyên góp và đến nay, ngôi chùa được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Chúng tôi rất vui mừng và vinh dự khi đền Khánh Trạch – chùa Thiên Vương được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh”.

Hòa thượng Thích Tâm Hiện, Trưởng ban Phật giáo huyện Tĩnh Gia cho biết: “Đền Khánh Trạch – chùa Thiên Vương là địa chỉ văn hóa thu hút khách du lịch. Du khách thập phương tụ hội về đây không những cầu cho một năm an lành mà còn là nơi nhân dân tìm thấy sự bình yên thanh thản”.

Giờ đây, đền Khánh Trạch – chùa Thiên Vương đã là di tích lịch sử, là nơi gìn giữ giá trị văn hoá tâm linh của dân tộc./.

Đăng tải tại Uncategorized | Thẻ , , , | Bình luận về bài viết này

Đền Thắm – điểm đến tâm linh gắn với truyền thuyết nữ tướng chống giặc Cờ Đen

Đền Thắm thuộc vùng đất Chợ Mới – Cây Thị (nay là thị trấn Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn) từ lâu đã trở thành địa chỉ du lịch tâm linh của hàng vạn lượt du khách trong và ngoài tỉnh mỗi năm trong hành trình “tĩnh tâm về với cội nguồn”, nhất là dịp đầu xuân mới.

Đền Thắm được truyền tụng là ngôi đền thiêng gắn với giai thoại của một người đàn bà dân tộc thiểu số xinh đẹp, giàu lòng nhân ái, một nữ tướng dũng cảm đứng lên chống giặc Cờ Đen.

Đền Thắm là khu di tích lịch sử-văn hóa-danh lam thắng cảnh có bề dày lịch sử, được phật tử, nhân dân và du khách thập phương ngưỡng mộ. N ằm cách thị xã Bắc Kạn gần 40 km về hướng Nam , trong không gian thơ mộng, phía trước đền là dòng sông Cầu nước trong xanh, hiền hòa uốn lượn, sau đền là vách đá sừng sững của dãy Thông Khuông uy nghi. Những năm gần đây, đền là điểm đến đầu tiên thu hút du khách thập phương đông nhất, nằm trong chuỗi du lịch tâm linh từ huyện Chợ Mới lên thị xã Bắc Kạn. Ông Vi Văn Bách – Trưởng Ban quản lý đền cho biết: từ sau ngày mồng 1 Tết Nhâm Thìn đến hết tháng Giêng, mỗi ngày đền đón hàng nghìn khách đến lễ, tăng mạnh so với cùng kỳ.

Đền Thắm thờ nữ tướng tên Thắm, một cô gái miền sơn cước; cha co làm nghề chài lưới trên sông Cầu. Tuổi thơ của cô là một chuỗi những ngày nghèo khổ. Tương truyền hai cha con cô Thắm suốt ngày chài lưới nhưng không đủ ăn. Vào một năm, một trận lũ lớn làm cả vùng bị ngập lụt, nhà cửa của hai cha con cô Thắm bị trôi hết, chỉ còn lại một tay chài nhỏ và một con thuyền cũ kỹ. Cha con cô Thắm tiếp tục thả lưới, nhưng người cha quăng lưới mỏi rời cả tay mà không được cá, khi chiều xuống mới kéo được một hòn đá to, nhiều lần vứt đi, nhưng sau đó hòn đá vẫn cứ mắc vào lưới mỗi lần ông lão kéo lên. Bực quá, người cha dùng dao định đập vỡ hòn đá, nhưng từ trong hòn đá vẳng ra tiếng nói xa xăm: Hãy mang tôi về nhà, tôi sẽ giúp ông sung sướng. Cha con cô Thắm mang hòn đá về đặt bên cạnh hòn đá trước thềm nhà, nhưng vừa chạm phải hòn đá ở thềm nhà, hòn đá đã vỡ làm đôi, bên trong toàn là vàng. Cha con cô Thắm vốn là người nghèo khổ nhưng nhân từ, thương yêu những người cùng cảnh ngộ nên đã đem số vàng đó chia cho nhiều người cùng cảnh trong vùng.

Càng lớn cô Thắm càng xinh đẹp, nết na, chính vì thế tên chúa Mường đã dùng quyền lực ép cô về làm vợ. Không cam chịu cay đắng và tủi nhục với tên chúa Mường tàn nhẫn, tham lam, nhất là khi tên chúa Mường làm tay sai cho giặc Cờ Đen tàn sát dân lành, cô Thắm đã rời bỏ nhà chúa Mường, tập hợp dân nghèo đứng dậy đánh bọn giặc Cờ Đen. Cô Thắm đã chỉ huy đội quân nông dân của mình đánh tan giặc Cờ Đen, tự tay cô đã chém chết tướng giặc hung ác, tàn bạo Lưu Vĩnh Phúc. Do bị trúng tên độc của giặc, cô Thắm đã hy sinh. Để tưởng nhớ nữ tướng dũng cảm, thương yêu người nghèo, người dân Chợ Mới đã lập đền thờ cô Thắm trên nền nhà của bố con cô.

Theo ghi chép của địa phương, đền được xây dựng đơn sơ từ rất lâu, sau đó vào khoảng năm 1929-1930, nhà buôn gỗ Nguyễn Cả Mùi, sau một lần bị mưa lũ làm vỡ mảng, trôi bè, tưởng không thể tìm lại được nhưng khi bè gỗ đến trước đền Thắm thì được cản lại. Thấy đền thiêng, lại ở nơi sơn thủy hữu tình, ông đã bỏ tiền, của ra, đồng thời quyên góp thêm từ người dân địa phương để xây dựng đến Thắm bây giờ. Tiếng đồn về sự linh thiêng của đền Cô Thắm được lan truyền, du khách thập phương đến dâng hương cầu may, cầu phúc… Cứ vào dịp Tết, lễ, ngày rằm, mùng một, người đến Đền nhộn nhịp, vừa để thắp hương tưởng nhớ một cô Thắm nhân từ, một nữ tướng dũng cảm, cũng là để tận hưởng khung cảnh hữu tình, không khí trong lành sạch sẽ của chốn bồng lai miền sơn cước. Cô Thắm đã đi vào cõi tâm linh các dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Dao… quần cư tại khu vực này.

Trải qua thời gian, qua các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đền Thắm từng chứng kiến những thăng trầm của lịch sử, khi là trạm gác tiền tiêu của các cơ sở quân sự, khi được dùng làm văn phòng của Ủy ban Kháng chiến Chợ Mới. Kiến trúc của Đền đã có một vài lần được trùng tu, nhưng vẫn giữ vẻ nguyên thủy đến ngày nay, thể hiện sự uy nghi và trang nghiêm nhưng không quá cầu kỳ, gồm: Đền Mẫu, Đền Cô và khu vực thờ Phật.

Đền Thắm có 4 ngày lễ chính là Lễ Thượng nguyên (2/2 âm lịch) là lễ hội lớn nhất hằng năm; lễ vào hè (10/3 âm lịch); lễ ra hè (10/7 âm lịch). Hằng năm vào 20/2 (âm lịch) thường có vấn hầu đặc biệt. Đó chính là thời điểm hội tụ sức mạnh cộng đồng và gửi gắm khát vọng về no ấm, hòa bình của đồng bào dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử./.

Đăng tải tại Uncategorized | Thẻ , , , | Bình luận về bài viết này

Khám phá vè đẹp thác Gia Long, Đắk Nông

Thác Gia Long nằm trên địa phận tỉnh Đắk Nông được nhiều người biết đến bởi vẻ đẹp của thiên nhiên hoang sơ thuần khiết, gần như chưa có bàn tay con người chạm vào. Ngắm thác Gia Long, du khách như đi vào một không gian thiên nhiên mênh mông, cảm giác như ta là người đến đây đầu tiên…

Thác Gia Long gắn với cái tên của một vị vua triều Nguyễn là vua Bảo Đại. Vua Bảo Đại từng đặt chân đến ngọn thác này. Cảm hứng trước thiên nhiên xinh đẹp, ông cho xây dựng một dinh thự vào năm 1930 để vãn cảnh; lấy tên vua Gia Long đặt tên cho thác. Người dân địa phương lấy đó làm niềm tự hào.

Thác Gia Long nằm ở gần ranh giới giữa hai tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk. Dù đã được khai thác du lịch nhưng không gian nơi đây vẫn còn rất hoang sơ. Nước của con thác từ dòng sông Sêrêpok hùng vĩ của Tây Nguyên về đến đây bị những khối đá chắn lại tạo thành những tầng bậc. Lúc thì dịu dàng lách qua những hòn đá để chảy về hạ nguồn, lúc thì tuôn trào dữ dội. Vào mùa mưa, mặt thác rộng hơn 100 mét, nước từ trên cao đổ xuống tạo thành cuộn sóng lớn. Phía hạ nguồn con thác hình thành những hồ nước rộng lớn. Đây là các hồ tự nhiên nhưng hoàn chỉnh đến mức người ta cứ nghĩ có sự can thiệp của con người. Đẹp nhất phải kể đến hồ tắm Tiên. Vẻ đẹp hoang sơ hoàn mỹ của nó khiến người đời đã nghĩ ra một câu chuyện thần tiên để lý giải cho sự hình thành hồ trên núi này. Chuyện kể rằng, xưa trên trời cao, các nàng tiên nhìn thấy và thường xuyên đến đây vui đùa. Cái hồ rộng lớn ở chân thác quyến rũ các nàng tiên trút bỏ xiêm y để trầm mình trong làn nước mát lạnh. Vì thế, hồ nước này được gọi là hồ tắm Tiên. Khi đến đây vãn cảnh, vua Bảo Đại đã bị câu chuyện này cuốn hút. Đứng trước không gian thiên nhiên hữu tình, ông cũng thường tắm ở hồ nước này mỗi lần đến đây.

Trước đây, muốn vào thác Gia Long, người ta phải đi bộ hơn 10 cây số từ đường lớn. Vua chúa, người giàu thì cưỡi ngựa, cưỡi voi vào đây. Bây giờ, đường sá đã thông thương. Đường nhựa cho xe chạy vào gần đến thác. Do thác nằm xa hơn những ngọn thác khác của dòng Sêrêpok nên đa phần khách chỉ dừng chân lại ở những con thác bên ngoài, ít người đến thác Gia Long. Có lẽ vì thế mà thác mang tên một vị vua Triều Nguyễn vẫn còn giữ được nét đẹp hoang sơ, không bị chi phối bởi những công trình kiến trúc. Ngay cả dinh thự của vua Bảo Đại xây dựng cũng đã bị chiến tranh tàn phá và sau này người ta không xây dựng lại.

Hệ sinh thái quanh khu vực thác Gia Long rất phong phú. Qua thác có vô số cây rừng cổ thụ, có nhiều cây tuổi thọ đến trăm năm. Những cây kiền kiền, bạch tùng, du sam, chò xót… với tàn cây rộng lớn và cao vút. Rừng nguyên sinh được bảo tồn nghiêm ngặt. Mật độ rừng rậm rạp và rộng lớn nên vẫn còn giữ được hệ sinh thái đa dạng, thu hút chim muông, thú rừng sinh sống. Không khí mát rượi, thiên nhiên thuần khiết nên hiện nay thác Gia Long được nhiều du khách đưa vào danh mục các điểm phải đến tại Việt Nam. Đến đây chỉ thấy khách Tây mà hiếm thấy khách Việt. Một điều dễ hiểu, du khách quốc tế thích đi tìm giá trị của thiên nhiên thuần khiết. Sau khi đến đây, họ ghi lại hồi ức và chia sẻ với cộng đồng mạng. Những người đến sau tiếp tục dò đường tìm đến thác Gia Long…

* * *

Đắk Nông không chỉ có du lịch gắn với những thác nước hùng vĩ mà còn gắn với du lịch văn hóa hấp dẫn. Được tách ra từ tỉnh Đắk Lắk vào năm 2004, Đắk Nông quần tụ được gần 30 dân tộc anh em. Họ sinh sống chan hòa với nhau và giữ lại nét văn hóa riêng của từng dân tộc. Du lịch đến Đắk Nông, khách không chỉ thưởng lãm cảnh thiên nhiên được xem là “đỉnh” mà còn trải nghiệm những nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc anh em tại đây. Thú vị nhất là những nhạc cụ thô sơ của người dân bản địa nhưng có sức vang vọng cả núi rừng, tạo âm thanh hấp dẫn du khách. Chiêng đá, đàn nước… là những nhạc cụ độc đáo riêng có của vùng này bên cạnh các nhạc cụ cồng chiêng, đàn T’rưng. Nếu gặp may, khách có dịp trải nghiệm thực tế với những hoạt động lễ hội mang tính tâm linh, gắn với đời sống tinh thần của người dân, như các: Lễ mừng lúa mới, lễ ăn trâu, lễ trưởng thành…

Đăng tải tại Uncategorized | Thẻ , , , | Bình luận về bài viết này

Hấp dẫn khu du lịch sinh thái Tràng An (Ninh Bình)

Khu du lịch sinh thái Tràng An có tổng diện tích 3.177,2 ha, nằm trên địa bàn tám xã, phường thuộc các huyện Hoa Lư, Gia Viễn và thành phố Ninh Bình.

Lễ rước nước trên sông Hoàng Long vào dịp lễ hội đền Vua Ðinh - Lê (Hoa Lư, Ninh Bình).Khu du lịch sinh thái Tràng An gồm bốn phần chính đó là khu Bảo tồn đặc biệt Cố đô Hoa Lư, khu trung tâm, khu văn hóa tâm linh núi chùa Bái Ðính và khu du lịch sinh thái hang động Tràng An.

Một vùng sinh thái quyến rũ

Khu du lịch hang động Tràng An nằm trong địa bàn huyện Gia Viễn và Hoa Lư có diện tích 966,4 ha. Theo thống kê chưa đầy đủ, tại đây có 500 loài thực vật, 73 loài chim, 41 loài thú, 32 loài bò sát sinh sống. Hiện nay, số hang xuyên thủy được ngành văn hóa tỉnh khảo sát có 48 hang xen lẫn 31 thung đẹp cùng nhiều cổ vật di tích lịch sử, di chỉ khảo cổ. Nơi đây hiện vẫn còn dấu ấn người tiền sử cách chúng ta ngày nay từ 5.000 đến 300 triệu năm. Các nhà khảo cổ và địa chất khẳng định quần thể danh thắng Tràng An – Hoa Lư xưa là một vùng biển cổ, cách đây khoảng 250 triệu đến 300 triệu năm.

Khu du lịch sinh thái hang động Tràng An gắn liền với khu di tích Cố đô Hoa Lư. Năm 968, Ðinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế và chọn Hoa Lư là vùng núi non hiểm trở để làm kinh đô. Tại nơi này, ông xây cung điện, đặt triều nghi, đắp thành, đào hào, dựa vào thế núi để phòng ngự, biến núi thành pháo đài hiểm trở, biệt lập với bên ngoài. Khi xây dựng tường thành, Vua Ðinh Tiên Hoàng đã khai thác lợi thế thiên nhiên để phục vụ con người, ông nối những dãy núi đá vôi với nhau bằng các tường thành nhân tạo để dựng lên một kinh đô vững chãi, độc đáo.

Khu du lịch hang động Tràng An thuộc dãy núi Thành Trì Thiên Tạo của kinh đô Hoa Lư xưa. Chung quanh nơi đây, núi bao bọc bốn phía, ẩn dưới mỗi ngọn núi là những hang động, điều kỳ diệu ở đây là các hang động được thông với nhau bởi các thung nước hết sức hiểm trở tạo nên một kinh đô Hoa Lư với thế phòng thủ vững chắc. Những ngọn núi cao chót vót chính là đài quan sát, cũng là tường thành bảo vệ kinh đô. Thời gian có thể làm hủy hoại những công trình kiến trúc nhân tạo, nhưng tường thành núi đá vẫn mãi mãi tồn tại, chính vì thế kinh đô Hoa Lư còn được gọi là “Kinh đô Ðá”.

Nhiều nhà khảo cổ khi đến khu sinh thái hang động Tràng An đã ví đây là một “bảo tàng địa chất ngoài trời” bởi toàn bộ khu vực Tràng An được các dãy núi đá vôi hình cánh cung bao bọc giữa vùng chiêm trũng ngập nước. Những khe nứt từ các dãy núi đá vôi thể hiện sự vận động địa chất tạo ra các dòng chảy trong hang động.

Dưới chân núi đá vôi, nhiều nơi còn có các hàm ếch, đó chính là dấu tích của biển tiến, thoái. Theo các nhà khoa học, hang động các-tơ nổi tiếng của vùng núi đá vôi Hoa Lư – Ninh Bình và phụ cận có cách đây bốn nghìn năm là một “Hạ Long trên cạn” ngày nay. Ðặc sắc nhất trong hệ thống hang động là loại hang nước nằm ngang, xuyên qua lòng các dãy núi lớn, ngập nước thường xuyên. Những hang, động này chuyển tải nước đối lưu chảy thông giữa các khe núi thành một dòng nối liền giữa các thung với nhau.

Ðiểm du lịch hấp dẫn

Hoa Lư – Tam Cốc – Bích Ðộng, một bộ phận quan trọng của Di sản Cố đô Hoa Lư, với đền thờ Vua Ðinh Tiên Hoàng và Lê Hoàn cùng khu du lịch sinh thái Tràng An, là điểm đến quan trọng trong hệ thống các khu du lịch quốc gia. Theo quy hoạch, khu du lịch sinh thái hang động Tràng An có chín tuyến du lịch đường thủy và hai tuyến du lịch đường bộ.

Các tuyến đường bộ với chiều dài 1,6 km leo qua ba quèn, vào đền Trần (hay còn gọi là đền Nội Lâm), khởi đầu từ bến Cây Bàng. Ðây là tuyến du lịch leo núi thú vị qua ba đèo liền nhau. Hiện nay đường leo núi được xây các bậc đá rộng. Trên đường đến đền Trần (thờ Quý Minh Ðại Vương – đời Vua Hùng thứ 18) đã dựng bảy chiếc lầu bằng gỗ lim hình bát giác làm nơi nghỉ chân cho du khách khi leo núi. Các tuyến du lịch đường thủy kết hợp leo núi du ngoạn bằng thuyền qua 13 hang và thung nước đến các điểm di tích lịch sử theo lộ trình khép kín.

Từ năm 2007 đến nay, tỉnh Ninh Bình đã xây dựng nhiều dự án và doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường trực tiếp là đơn vị thi công các hạng mục khu du lịch. Theo ông Nguyễn Văn Son, người gắn bó với khu vực Tràng An gần 50 năm qua, tại đây còn có khoảng ba mươi hang động xuyên thủy chưa được nạo vét để phục vụ hoạt động du lịch. Tuy nhiên, từ năm 2009 đến nay lượng du khách về khu du lịch Bái Ðính – Tràng An không ngừng tăng lên. Năm 2009, hơn một triệu lượt du khách trong nước và quốc tế đến tham quan du lịch. Năm 2011, số du khách tới Ninh Bình đạt mức hơn ba triệu lượt người. Hàng chục nghìn lao động tại các huyện Gia Viễn, Hoa Lư và thành phố Ninh Bình được tạo việc làm, tham gia vào các dịch vụ du lịch như chở đò, hàng ăn, nhà nghỉ… Nhờ phát triển du lịch, nhiều vùng đất được đánh thức tiềm năng trồng cây nông sản, sản xuất nấm các loại, làm nghề truyền thống: thêu ren, gốm, đá mỹ nghệ, v.v. Du lịch Ninh Bình với điểm nhấn Bái Ðính – Tràng An, Cố đô Hoa Lư, Tam Cốc – Bích Ðộng đã và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Đăng tải tại Uncategorized | Thẻ , , , | Bình luận về bài viết này

Chợ Thượng Lâm (Tuyên Quang): Nét đẹp vùng cao

Kinh nghiệm dân gian xưa thường có câu: “Nhất cận thị nhị cận giang” (có nghĩa là nhất gần chợ, nhì gần sông). Với xã Thượng Lâm (Lâm Bình) thì không có sông lớn chảy qua nhưng bù lại xã có địa hình bằng phẳng hơn các xã khác trong vùng với những đặc điểm phù hợp cho việc phát triển thế mạnh kinh tế thương mại.

Bên cạnh đó, với các loại hàng hóa nông sản, sản vật nổi tiếng mang đặc thù của một địa phương vùng cao thì việc hình thành một điểm mua bán, trao đổi hàng hóa sẽ tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế phát triển. Chợ Thượng Lâm ra đời và gắn bó với người dân Thượng Lâm và các xã khác trong vùng từ bao năm qua đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy kinh tế của xã ngày càng phát triển. Và, chợ vẫn giữ được những nét văn hóa rất đặc trưng của một xã vùng cao.

Đồng chí Chẩu Văn Tân, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Lâm cho biết: “Hiện xã có chợ trung tâm nằm ở thôn Bản Chợ. So với những năm trước chợ đã thu hút được số hộ đến kinh doanh, buôn bán rất đông, từ đó góp phần nâng cao đời sống cho người dân trong vùng. Toàn xã có trên 30 hộ dân thường xuyên buôn bán trong chợ, ngoài ra bà con trong xã thường đem nông sản làm được ra bán tạo nên không khí đông đúc cho chợ vào những ngày họp. Chợ họp vào thứ 5 và chủ nhật hàng tuần…”.

Chợ Thượng Lâm ra đời từ năm 1987, khi ấy chỉ có lẻ tẻ vài gian hàng của người dân địa phương theo kiểu làm được thứ gì không dùng hết thì đem bán nên mới chỉ được gọi là chợ thôn Nà Bản. Sau này, xã có chủ trương quy hoạch mở rộng diện tích chợ, đưa chợ họp vào vị trí gần đường để người dân thuận tiện buôn bán. Từ đó, người dân đem nông sản đến bán rất đông, thương lái từ các nơi khác cũng tìm đến trao đổi hàng hóa. Thời kỳ ấy, trong xã còn có HTX mua bán, HTX nông nghiệp, HTX tín dụng.

Năm 1990, do hoạt động của chợ cũ không đáp ứng được nhu cầu số người đến buôn bán, trao đổi hàng hóa nên chợ được chuyển lên thôn Bản Chợ (như bây giờ). Năm 2000, từ nguồn vốn Chương trình 135 do Nhà nước đầu tư xã Thượng Lâm đã đầu tư trên 400 triệu đồng tiến hành quy hoạch xây dựng chợ theo hướng kiên cố với tường rào bao quanh với trên 60 gian hàng có mái che. Việc đầu tư xây dựng chợ phù hợp với nguyện vọng của người dân và các tiểu thương trong vùng đã tạo nên một bước chuyển mới cho nền kinh tế phát triển theo hướng hàng hóa. Nhiều hộ dân trong xã đã đăng ký buôn bán tại chợ và giàu lên. Hộ bà Ngô Thị Phin, buôn bán vải, các thiết bị điện tử; hộ anh Nguyễn Văn Sơn bán các thiết bị dân dụng… đều đã xây được nhà khang trang nhờ buôn bán tại chợ.

Chợ họp đều vào mỗi thứ 5 và chủ nhật hàng tuần với một lượng hàng hóa được trao đổi, buôn bán rất lớn. Trong chợ bày bán rất nhiều các loại hàng hóa từ các thiết bị điện tử đắt tiền đến các vật dụng cần thiết cho sinh hoạt hàng ngày. “Có cầu thì ắt có cung” câu nói này đã chứng minh nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân đã được nâng lên, điều này cũng đồng nghĩa với chất lượng cuộc sống của người dân đã được cải thiện, và ngày càng khấm khá hơn nhiều. Chị Phúc Thị Thúy, một người dân xã Thượng Lâm thường xuyên tham gia các phiên chợ cho biết: “Tôi thấy người dân mình bây giờ rất nhạy bén. Họ làm ra nhiều nông sản, không sử dụng hết họ đem ra chợ bán lấy tiền sắm sửa các vật dụng khác cho gia đình. Cái tư tưởng “làm ra bao nhiêu dùng bấy nhiêu” hay “tự cung tự cấp” đã không còn tồn tại nữa rồi. Mừng vì bà con mình đã nhận thức rõ được thế mạnh của buôn bán trong đời sống xã hội…”.

Khi người dân Thượng Lâm và các xã khác trong vùng đến chợ họ không chỉ đem theo những sản vật của địa phương do gia đình mình làm ra mà còn mang đến cả những nét đẹp trong văn hóa giao tiếp, ứng xử và cả những trang phục lộng lẫy của dân tộc mình. Có thể những ngày thường những bộ trang phục cầu kỳ với rất nhiều chi tiết đặc sắc ấy không có cơ hội được mặc vì nhiều người cũng nhận ra sự vướng víu khi làm đồng áng thì chỉ có những dịp khoe sắc khi đi chợ phiên Thượng Lâm. Tham gia một ngày chợ Thượng Lâm không chỉ được thưởng thức những món ăn đậm đà của địa phương mà còn được nhận cả những tình cảm đằm thắm mà người dân vùng cao gửi gắm.

Tương lai chợ Thượng Lâm được quy hoạch chi tiết và quy mô hơn. Điều đó phù hợp với sự phát triển chung. Tuy nhiên trong quá trình đổi mới, phát triển cần giữ lại được những nét đẹp vốn có trong mỗi phiên chợ vùng cao.

Đăng tải tại Uncategorized | Thẻ , , , | Bình luận về bài viết này

Khu Di tích Lịch sử Văn hóa Chùa Đệ Tứ, Nam Định

Chùa Đệ Tứ thuộc phường Lộc Hạ (TP Nam Định) được xây dựng trên nền móng cũ của cung Đệ Tứ, một trong những cung điện được các vua Trần xây dựng vào thế kỷ XIII, cách khu vực Đền Trần chưa đầy 1km.

Dấu vết dòng sông cổ hai phía đông tây làng Đệ Tứ thông ra sông Vĩnh Giang cho thấy từ Đệ Tứ có thể dùng cả đường thủy và đường bộ để dễ dàng đến với các cung Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam, Thiên Trường. Dấu vết đó không chỉ cho thấy vị trí trọng yếu, án ngữ mỗi đầu sông bảo vệ vòng ngoài cung Trùng Quang, Trùng Hoa mà còn gợi lên sự trang hoàng, lộng lẫy của một kinh đô thứ hai sau Thăng Long vào thế kỷ XIII.

Cuộc khai quật khảo cổ học do Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam phối hợp với Ty Văn hóa Nam Hà tiến hành vào năm 1976 tại khuôn viên chùa trên diện tích 300m2 đã mở ra nhiều bất ngờ thú vị. Ngay dưới độ sâu 0,5-1,1m đã tìm thấy hàng trăm di vật như mảnh gốm sứ, gạch ngói, đầu rồng đất nung dụng cụ lò nung gốm… Điều đáng lưu ý ở đây là hai sân gạch hoa được lát theo kiểu chéo góc. Những viên gạch được nung già, màu sắc đỏ tươi, chất đất mịn. Bề mặt gạch vẫn còn nguyên những họa tiết phong phú như hoa chanh, hoa cúc… với đường nét thanh mảnh, mềm mại, tinh tế cho thấy giá trị, tầm vóc của sân rồng cũng như mức huy hoàng của cung điện. Ngoài ra, những đầu rồng, đầu phượng cùng các loại bát đĩa, gạch ngói có kích thước, kiểu cách giống các di vật tìm thấy khu vực đền Thiên Trường cho thấy hành cung Đệ Tứ đối với các vua chúa, quý tộc Trần xưa là vị trí được quan tâm đặc biệt.

Chùa Đệ Tứ không chỉ là nơi ẩn chứa nhiều giá trị khảo cổ học mà còn là một công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật. Nằm quay hướng tây, ẩn dưới những tán cây cổ thụ to lớn và quang cảnh làng mạc thanh bình, ngôi chùa làm theo kiểu chữ công, kết hợp với các công trình phụ trợ xung quanh như giếng nước, vườn cây, nhà tổ, tăng phòng, nhà khách tạo thành một không gian linh thiêng, gần gũi và tĩnh lặng. Tiền đường gồm 5 gian 2 chái được tu sửa vào năm Thành Thái thứ 8 (1898) nên mang đậm phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Toàn bộ tiền đường gồm có 6 bộ vì được làm theo kết cấu chồng rường giá chiêng, bẩy tiên, bẩy hậu. Trần các xà dọc, xà nách, câu đầu được điểm xuyết nhẹ nhàng các họa tiết long chầu, tứ quý, lá vật với đường nét thoáng đạt. Gánh đỡ bộ mái tiền đường là 24 cây cột lim đều có đường kính 0,30m. Tam bảo ba gian được nối với tiền đường bởi kỹ thuật giao mái bắt vần. Tam bảo gồm 4 gian xây dọc, đặt trên vì 4 hàng chân theo kết cấu kẻ truyền. Trên các câu đầu, bẩy, kẻ được bào trơn, chạy đường chỉ kép. Tại Tam bảo có bài trí 15 pho tượng mang phong cách thời Nguyễn chia làm 5 lớp. Thượng điện gồm 3 gian xây ngang, nối với Tam bảo bằng kỹ thuật giao mái bắt vần. Tại đây, các cấu kiện gỗ cũng được trang trí nhẹ nhàng, đơn giản tạo thành một không gian rộng rãi thoáng đạt. Bao quanh ngôi chùa là nhà tổ 7 gian, nhà khách 7 gian, phủ mẫu 3 gian, tăng phòng 5 gian. Tất cả các hạng mục công trình này đều được làm bằng gỗ lim, mái lợp ngói nam. Trải qua thời gian, được sự quan tâm của chính quyền và nhân dân địa phương nên các công trình vẫn giữ được độ bền vững cùng các phong cách kiến trúc cổ truyền./.

Đăng tải tại Uncategorized | Thẻ , , , | Bình luận về bài viết này